Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Đột phá ngành nông nghiệp: Thay thế cây lúa?

Đột phá ngành nông nghiệp: Thay thế cây lúa?
Việt Nam là một nước nông nghiệp, xuất siêu nhiều nông sản nhưng đời sống của đại đa số nông dân vẫn nghèo. Thực tế đòi hỏi phải có những chính sách đột phá trong cơ cấu mùa vụ, cây trồng vật nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 
Đột phá ngành nông nghiệp: Thay thế cây lúa?
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng đa số dân trồng lúa vẫn rất nghèo - Ảnh: D.Đ.M



Năm 2012 cả nước xuất khẩu được trên 7,7 triệu tấn gạo nhưng chỉ thu về 3,5 tỉ USD. Tại ĐBSCL có khoảng 4 triệu hộ trồng lúa. Nếu tính quy mô trung bình một hộ 4,4 nhân khẩu, có 30% lợi nhuận từ làm lúa giữ lại, lợi nhuận bình quân là 3,8 triệu đồng/người/năm (khoảng 230 USD/người/năm) hoặc 316.250 đồng/người/tháng, dưới cả ngưỡng nghèo hiện nay là 400.000 đồng/người/tháng. Thực trạng nhiều năm nay cho thấy mặc dù sản lượng gạo xuất khẩu đều tăng qua từng năm, nhưng giá trị lại không tăng tương ứng, nông dân trồng lúa không giàu lên được. Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia lĩnh vực sinh học và nông nghiệp, phân tích: "Ngành nông nghiệp của ta có rất nhiều cây trồng, vật nuôi có thể làm giàu, cho thu nhập cao hơn sản xuất lúa. Ta cứ giữ khư khư gần 4 triệu ha lúa để xuất khẩu mỗi năm chỉ được hơn 3 tỉ USD. Trong khi Pháp chuyển 1 triệu ha trồng lúa mỳ sang trồng nho để xuất khẩu mỗi năm thu 11 tỉ USD. Rồi họ dành một phần số tiền này để mua lương thực từ các nước. Vấn đề an ninh lương thực rất quan trọng, nhưng bên cạnh lúa gạo, phải để nông dân làm giàu lên bằng rất nhiều loại cây trồng khác".
Ta cứ giữ khư khư gần 4 triệu ha lúa để xuất khẩu mỗi năm chỉ được hơn 3 tỉ USD. Trong khi Pháp chuyển 1 triệu ha trồng lúa sang trồng nho để xuất khẩu mỗi năm thu 11 tỉ USD. Rồi họ dành một phần số tiền này để mua lương thực từ các nước
Giáo sư Nguyễn Lân Hùng,chuyên gia lĩnh vực sinh học và nông nghiệp
Việc phát triển các cây trồng khác càng trở nên quan trọng đối với nền nông nghiệp nước ta, khi nhiều năm qua ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu. Theo thống kê, các doanh nghiệp (DN) VN hằng năm bỏ ra trên dưới 2 tỉ USD để nhập khẩu lúa mì, đậu nành, khô dầu đậu nành, bắp… về chế biến thức ăn chăn nuôi. Bộ NN-PTNT thừa nhận đây là nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất trong các mặt hàng liên quan tới nông nghiệp. Bộ này tính toán, để đáp ứng được chiến lược phát triển chăn nuôi, đến năm 2020, nhu cầu sử dụng thức ăn của VN ước tính 27,4 triệu tấn (tăng 1,3 lần so với năm 2012). Như vậy, với năng lực đáp ứng hiện nay, chúng ta sẽ phải bỏ thêm lượng ngoại tệ lớn để nhập nhiều hơn nữa nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là các loại giàu năng lượng như ngô, lúa mì, khô dầu...
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi VN, trăn trở: "Chúng ta luôn tự hào xuất khẩu gạo số một thế giới, nhưng thặng dư thương mại gạo chỉ khoảng 1-1,5 tỉ USD, trong khi bình quân mỗi năm nhập siêu 4 tỉ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Trồng lúa 2 vụ có thể thu 60 triệu đồng/ha nhưng tốn nhiều nước, mà nguồn nước canh tác thì đang dần cạn kiệt. Cũng với diện tích đó, nếu trồng cà phê, cao su thì vừa tốn ít nước hơn mà có thể thu được hơn 100 triệu đồng/ha, với Lâm Đồng là tỉnh trồng hoa, có thể cho thu nhập 250 triệu đồng/ha thì đã đến lúc tính toán lại hiệu quả kinh tế của mặt hàng này”.
Luân canh đậu nành

Bài học từ Philippines

Philippines có hơn 40% dân số làm nông nghiệp, các nông sản chính không phải là lúa mà là ngô, mía, dừa, chuối, sắn, dứa, xoài, trứng, thịt lợn, thịt bò và cá. Hằng năm, Philippines vẫn phải nhập khẩu gạo để khắc phục tình trạng thiếu lương thực. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp chính như dừa (cùi dừa khô và dầu dừa), vải dệt bằng tơ chuối, thuốc lá và đường... không những thừa sức bù đắp vào chi phí nhập khẩu gạo mà còn mang dôi ra hàng tỉ USD mỗi năm.
Để hạn chế nhập khẩu ngô, đậu nành cần tăng sản lượng 2 loại nông sản này. Theo các chuyên gia, muốn tăng sản lượng chỉ có cách chủ động tăng diện tích trồng và cải thiện năng suất trong nước. Theo đề án quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu tăng diện tích gieo trồng đậu nành cả nước lên gần gấp đôi hiện nay (khoảng 350.000 ha với sản lượng khoảng 700.000 tấn). Tuy nhiên, theo số liệu thống kê năm 2011, diện tích đậu nành cả nước chỉ đạt 173.000 ha; riêng ĐBSCL có khoảng trên 3 triệu ha lúa nhưng diện tích đậu nành chỉ 4.399 ha, chiếm 2,53% diện tích đậu nành cả nước. Vì vậy, đề án phát triển đậu nành tại ĐBSCL của Cục Trồng trọt cũng yêu cầu các Sở NN-PTNT khuyến khích nông dân tăng diện tích đậu nành trên đất lúa. Bởi trồng một vụ đậu nành (vụ xuân hè hay vụ hè thu sớm) luân canh sau lúa đông xuân sẽ giúp tăng diện tích đậu nành, tăng thu nhập và lợi nhuận cho người nông dân. Ngoài ra, trồng luân canh đậu nành còn cắt đứt nguồn lây lan của dịch bệnh trên lúa (đặc biệt là rầy nâu), tăng năng suất cây lúa, hạn chế cỏ dại, cải tạo các đặc tính sinh hóa của đất trong hệ thống luân canh, tăng hiệu quả kinh tế của sản xuất...

Theo Cục Trồng trọt, sản xuất đậu nành ở ĐBSCL chỉ có một số vùng thực hiện luân canh với lúa như Tiền Giang, Đồng Tháp, còn lại một số vùng trồng xen canh với cây màu khác như An Giang. Gần đây, đã có một số diện tích trồng khảo nghiệm luân canh lúa với đậu nành, cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Hơn nữa, sản phẩm đậu nành hiện trong nước mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu nên đầu ra còn rất lớn. “Trong khi thế giới lo lắng về tình trạng khan hiếm nguồn cung đậu nành và khô đậu nành thì nhiều địa phương trong nước vẫn chưa định vị được các sản phẩm nông nghiệp để quy hoạch, lúng túng trong khâu lập dự án và xây dựng thương hiệu cũng như khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hình thành các vùng trồng đậu nành quy mô lớn, sản xuất tập trung, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. Đây cũng là cơ hội để tăng thu nhập cho người nông dân và tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp, phá thế độc canh cây lúa”, ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, phân tích. (Còn tiếp)

Rà soát bố trí vùng trồng đậu nành

Trong năm 2013, Cục Trồng trọt sẽ phối hợp với các địa phương rà soát và bố trí vùng trồng đậu nành; theo dõi lịch thu hoạch lúa để đôn đốc các địa phương gieo đậu nành kịp thời vụ và chỉ đạo không gieo sau thời vụ cho phép, thay vào đó khuyến cáo trồng các cây ngắn ngày khác. Cục Trồng trọt cũng sẽ kết nối các địa phương và DN, từng bước phát triển tăng diện tích vùng trồng đậu nành qua việc lựa chọn xây dựng các cánh đồng đậu nành ở  3 - 4 tỉnh, tăng dần cánh đồng mẫu trên 5 - 8 tỉnh ở giai đoạn 2015 và tăng toàn bộ ở các tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2020.

Theo kết quả đánh giá một số mô hình chuyển đổi cơ cấu canh tác trên đất lúa tại một số vùng ở ĐBSCL cho thấy giống đậu nành chọn trồng là đậu A17 có thời gian sinh trưởng 85-90 ngày, năng suất ước đạt 1,84 tấn/ha. Với giá đậu thương lái mua hiện 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được khoảng 16 triệu đồng/ha, cao hơn khoảng 6 triệu/ha so với mức lợi nhuận thu được từ trồng lúa.

Phóng sự Phân vi sinh EMZ-USA trên kênh VTV2
Hãy like Facebook của EMZ -USA để được cập nhật những bài viết mới nhất  mỗi ngày 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét