Cứ đến mùa thu hoạch thì trái cây đồng loạt rớt giá do nguồn cung tăng đột biến. Một kế hoạch tái cấu trúc mùa vụ để giải quyết vấn đề này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra.
Năm 2012, ĐBSCL đã phải đối mặt với nhiều đợt rớt giá các loại trái cây từ tháng 5 đến tháng 9. PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho biết: “Qua theo dõi nhiều năm, chúng tôi nhận thấy trái cây thường rớt giá hay giá quá rẻ vào tháng mùa hè (từ tháng 6 - 8). Bởi đó là mùa trái cây chính vụ như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… ở ĐBSCL và cũng là mùa trái vải phía bắc, mùa thanh long chính vụ phía nam. Đây còn là thời điểm trái cây Trung Quốc vào mùa như mận, táo, lê, đào, dưa lưới… tràn vào VN với số lượng lớn, giá rất rẻ. Vào thời điểm này, thị trường trái cây diễn ra hiện tượng cung vượt cầu”.
|
TS Hoàng Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm quy hoạch nông nghiệp (Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp) - phân tích: “Từ tháng 6 đến hết tháng 9 có hai loại trái cây ở các tỉnh phía bắc thu hoạch chính vụ là vải thiều và nhãn, các loại trái cây khác rất khó cạnh tranh nên sức mua giảm và giá thấp (đặc biệt là trùng với chôm chôm chính vụ). Do đó, giải pháp rải vụ thu hoạch trái cây nói chung và 5 loại quả (xoài, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, thanh long) nói riêng được xác định là cách làm khôn ngoan nhất trong điều kiện hiện nay. Đây là lợi thế so sánh của trái cây trồng ở các tỉnh Nam bộ”.
Theo TS Hoàng Quốc Tuấn, từ nhiều năm nay, một số nhà vườn giàu kinh nghiệm và các nhà khoa học đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công việc rải vụ thu hoạch trái cây, giảm được chi phí đầu tư hệ thống nhà kho và thiết bị bảo quản, tạo ra trái cây tươi đáp ứng yêu cầu thị trường, đem lại thu nhập cao cho nhà vườn. Vì vậy, cần tổng kết, tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng việc thay đổi mùa vụ để tránh “đụng hàng”.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho thấy, việc sản xuất trái cây trái vụ, đặc biệt là thanh long trên địa bàn Bình Thuận giúp giá thanh long cao gấp 2-3 lần so vụ thuận. Từ trước đến nay chưa có tiền lệ bị tồn đọng hàng thanh long vụ nghịch. Ở phía bắc, việc sử dụng giống vải, nhãn chín sớm hoặc muộn hơn bình thường giúp kéo dài thời vụ thu hoạch thêm hơn 20-30 ngày, giá bán đạt mức cao hơn chính vụ, tạo hiệu quả kinh tế cao cho các nhà vườn. Ở Nam bộ, gần đây một số nhà vườn đã áp dụng thành công nhiều biện pháp kỹ thuật ra hoa trái vụ đem lại thu nhập cao, góp phần cung cấp lượng trái cây hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất trái cây. Khu vực Tây nguyên cũng đã áp dụng sản xuất trái vụ mặt hàng bơ nghịch mùa để tránh rớt giá.
Thay đổi mùa vụ trái cây sẽ giúp giải quyết tình trạng được mùa rớt giá - Ảnh: Chí Nhân |
Chọn thời điểm thích hợp
Theo PGS-TS Nguyễn Minh Châu, nên chọn sản xuất trái cây đặc sản, chọn thời điểm cho trái rải vụ thích hợp. Các loại trái cây như bưởi, cam sành, quýt đường, nhãn, xoài, sầu riêng, chôm chôm, thanh long… hoàn toàn nghịch vụ với trái cây miền Bắc và Trung Quốc, có ưu thế làm nghịch vụ, cần được khai thác tối đa lợi thế này. Cây có múi cho trái từ tháng 3 - 9 thì không gặp đối thủ cạnh tranh vì miền Bắc và Trung Quốc chưa có cam, quýt, bưởi vào các tháng này. Sầu riêng, chôm chôm, măng cụt không nên tập trung cho trái vào các tháng 5 - 8 như hiện nay vì đụng với vải, trái cây á nhiệt đới. Nhãn nên điều chỉnh cho trái vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 5 do miền Bắc và Trung Quốc chỉ có nhãn vào tháng 8 - 9. Xoài nhà vườn nên điều chỉnh cho trái từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Thanh long nên bố trí vụ từ tháng 12 đến tháng 3, nhất là vụ tết, tránh cho trái nhiều vào tháng 6 - 8. Măng cụt nên cho trái vào tháng 4 - 5 để hạn chế trái bị mủ và sượng...
Theo Cục Trồng trọt, trong giai đoạn tới cần có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ quả, cụ thể như sau: Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho sản xuất trong vùng nguyên liệu gồm hệ thống giao thông; hệ thống tưới ở các vùng đồi. Các cơ sở chế biến trích 5-10% giá nguyên liệu để đầu tư lại cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu và người trồng đóng góp cổ phần vào nhà máy chế biến. Tập trung tổ chức lại sản xuất, xây dựng và củng cố lại mô hình kinh tế hợp tác. Chuyển một số ruộng đất sản xuất cây hằng năm (lương thực, màu...) kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả ở vùng đồng bằng, nhất là vùng ven các đô thị, vùng phục vụ du lịch.
Đối với những diện tích trồng mới cây ăn quả chưa cho sản phẩm, nhà nước cho vay vốn tín dụng đầu tư với mức lãi suất ưu đãi theo chu kỳ sản xuất cây ăn quả lâu năm để nông dân có điều kiện đầu tư mở rộng và thâm canh; cho vay ưu đãi đầu tư xây dựng nhà máy đóng gói, chế biến và mua sắm thiết bị với lãi suất thấp, mức 3%/năm, thời hạn trả nợ 10 - 12 năm. Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở chế biến quả mới thành lập trong 2-3 năm đầu, miễn giảm thuế trong các khâu chế biến, xuất khẩu.
Cần sự liên kết
Để sản xuất rải vụ thành công cần có sự liên kết sản xuất giữa các tỉnh, Bộ NN-PTNT và các tỉnh thống nhất lịch thời vụ trên từng loại thì mới đạt hiệu quả. Sản xuất nghịch vụ cũng phải chú ý thị trường. Trước khi đi vào sản xuất, rất cần ngành chức năng khảo sát, nghiên cứu thị trường các nước rồi cùng các tỉnh định hướng sản xuất rải vụ. Nếu không liên kết, các nơi cùng sản xuất thì nghịch vụ sẽ trở thành chính vụ. Nếu cùng loại trái, các tỉnh rải vụ trùng thời điểm thì yếu tố cạnh tranh cũng kém vì có quá nhiều cùng lúc.
TS Võ Mai - Phó chủ tịch Hội Làm vườn VN
|
Phóng sự Phân vi sinh EMZ-USA trên kênh VTV2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét